Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2018

CÁC NGUYÊN TẮC PHÁP LÝ TRONG KINH DOANH BẢO HIỂM

Tại điều 6 Luật kinh doanh bảo hiểm và tại Điều 3 Nghị định 45/2007/NĐ- CP ngày 27 tháng 03 năm 2007  có quy định các nguyên tắc cơ bản trong kinh doanh bảo hiểm gồm:

Thứ nhất, Tổ chức, cá nhân muốn hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, hoạt động môi giới bảo hiểm tại Việt Nam phải được Bộ Tài chính cấp giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm.
Kinh doanh bảo hiểm là ngành lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nên phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép ….
Thứ hai, tổ chức, cá nhân có nhu cầu bảo hiểm có quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm và chỉ được tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm được phép hoạt động tại Việt Nam. Không một tổ chức, cá nhân nào được phép can thiệp trái pháp luật đến quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm của bên mua bảo hiểm.
Việc đặt ra nguyên tắc này nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, tạo điều kiện cho sự phát triển lành mạnh và lâu dài của thị trường bảo hiểm Việt Nam, đồng thời bảo đảm sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước và phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và tập quán quốc tế. Tuy nhiên do thực trạng phát triển của thị trường bảo hiểm ở Việt Nam chưa đáp ứng được hết nhu cầu bảo hiểm của xã hội, pháp luật quy định:  Tổ chức, cá nhân có nhu cầu bảo hiểm có thể tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm không có trụ sở ở Việt Nam trong những trường hợp: Các doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động ở Việt Nam chưa cung cấp được loại sản phẩm bảo hiểm mà tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia bảo hiểm hoặc theo quy định của các điều ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Hợp đồng bảo hiểm được giao kết giữa các tổ chức, cá nhân Việt Nam với doanh nghiệp bảo hiểm không có trụ sở ở Việt Nam trái với các quy định trên đều bị coi là vô hiệu.
Thứ ba, Doanh nghiệp bảo hiểm phải duy trì khả năng tài chính phù hợp với quy mô kinh doanh của mình để bảo vệ quyền lợi của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.
Với tính chất là hoạt động kinh doanh rủi ro và mang tính xã hội hoá cao, với vai trò quan trọng của kinh doanh bảo hiểm đối với nền kinh tế và sự ổn định của đời sống xã hội việc bảo đảm khả năng tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm để bảo đảm quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm là rất quan trọng, bởi nó không chỉ tạo uy tín tạo ra khả năng kinh doanh có hiệu quả cho doanh nghiệp bảo hiểm mà nó còn có ý nghĩa kinh tế xã hội lớn. Với việc quy định nguyên tắc chung cơ bản này trong Luật kinh doanh bảo hiểm, để trên cơ sở đó các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ ban hành các quy định cụ thể, chi tiết về chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm.

Yêu cầu của nguyên tắc này đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các quy định như:

– Phải ký quỹ tại một ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam. Số tiền ký quỹ là một phần của vốn điều lệ và nó là một trong các điều kiện để khai trương hoạt động. Các doanh nghiệp bảo hiểm được hưởng lãi tiền gửi kỳ hạn 1 năm trên số tiền ký quỹ, tiền ký quỹ chỉ được sử dụng khi có ý kiến của Bộ Tài chính bằng văn bản nhằm đáp ứng khả năng thanh toán bị thiếu hụt tạm thời. Doanh nghiệp bảo hiểm được rút toàn bộ tiền ký quỹ khi chấm dứt hoạt động.
– Phải thường xuyên trích lập và duy trì đủ khoản dự phòng nghiệp vụ để thực hiện các trách nhiệm phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm. Dự phòng nghiệp vụ là khoản dự trữ liên quan đến từng nghiệp vụ bảo hiểm được trích lập và hoạch toán vào chi phí kinh doanh nhằm mục đích thanh toán các trách nhiệm đã được xác định trước và phát sinh từ hợp đồng đã được ký kết. Dự phòng nghiệp vụ phải được lập riêng cho từng nghiệp vụ gồm:
Dự phòng chi cho các trách nhiệm chưa hoàn thành;
Dự phòng bồi thường cho các kiếu nại chưa giải quyết;
Dự phòng bồi thường cho các dao động lớn về tổn thất.
– Phải duy trì khả năng thanh toán tối thiểu tương ứng với qui mô hoạt động kinh doanh và không thấp hơn giới hạn khả năng thanh toán trong suốt quá trình hoạt động. Một doanh nghiệp bảo hiểm được coi là đủ khả năng thanh toán khi tổng các nguồn vốn sau hoặc = mức khả năng thanh toán: Vốn điều lệ đã đóng; quỹ dự trữ bắt buộc; lãi các năm trước chưa sử dụng.
Trong trường hợp tái bảo hiểm ở nước ngoài, doanh nghiệp bảo hiểm phải tái bảo hiểm một phần rủi ro của hợp đồng bảo hiểm đã ký cho doanh nghiệp tái bảo hiểm do chính phủ chỉ định. Xuất phát từ sự cần thiết hạn chế tình trạng chảy máu ngoại tệ thông qua việc tái bảo hiểm cho các công ty nước ngoài, tạo điều kiện duy trì mối quan hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp bảo hiểm gốc và doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm. Thông qua công cụ tái bảo hiểm bắt buộc, Nhà nước có thể kiểm soát tình hình hoạt động và tình trạng tài chính cũng như khả năng thanh toán của các doanh nghiệp bảo hiểm việt nam, bảo vệ quyền của người tham gia bảo hiểm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét